Thương hiệu: Đồ Gỗ Giá Gốc

Kinh nghiệm chọn vật liệu gỗ công nghiệp cho căn nhà của bạn

0

Đồ Gỗ Giá Gốc đã thi công hàng nghìn căn nội thất cho các khách hàng của mình và nhận thấy nhiều chủ nhà và thậm chí là các bạn kiến trúc sư, các chủ xưởng, các đơn vị thi công nội thất khác chưa có đánh giá đúng về từng loại vật liệu gỗ công nghiệp. Bài viết này mình sẽ cố gắng truyền đạt cho tất cả các bạn các kiến thức thực tế khi lựa chọn các chất liệu gỗ công nghiệp.

1- Cấu tạo của gỗ công nghiệp

Gỗ công nghiệp được cấu tạo từ hai thành phần là LõiBề mặt. Lõi gỗ công nghiệp là thành phần cấu tạo nên vật liệu như: Ván dăm, MDF, HDF, HDF siêu chống ẩm, Plywood, WPC (Gỗ nhựa). Nó là thành phần chịu lực của tấm ván. Bề mặt là các chất liệu được phủ ra ngoài Lõi như: Melamin, Laminate, Acrylic, Veneer, Sơn.

– Phân loại theo Lõi:

  • Ván dăm
  • MDF
  • HDF
  • HDF Siêu chống ẩm
  • Plywood
  • Gỗ Nhựa (WPC)

– Phân loại theo Bề mặt:

  • Melamin
  • Laminate
  • Laminate Noline
  • Acrylic
  • Acrylic Noline
  • WPC (Picomart):
  • Veneer
  • Sơn

2- Các lỗi người dùng thường mắc phải khi lựa chọn chất liệu

– Lỗi 1: MDF tốt hơn Ván dăm

MDF được cấu tạo từ các bột gỗ mịn, trộn keo, nước và phụ gia.

Ván dăm được cấu tạo từ các hạt gỗ thô, trộn keo, nước và phụ gia.

Từ cấu tạo của hai loại vật liệu trên, chúng ta thấy:

– Hàng sơn: Nội thất cần sơn bề mặt thì dùng MDF, vì bề mặt của MDF mịn.

– Hàng uốn cong: Nội thất cần uốn cong thì dùng MDF, vì lõi của MDF được cấu tạo từ các hạt gỗ nhỏ, nên nó có thể uốn cong.

– Hàng chịu lực võng: Các đợt tủ nằm ngang thì dùng ván dăm tốt hơn MDF, vì MDF mịn nên dễ uốn cong, với khu vực ẩm nhiều thì MDF sẽ nhanh bị võng. Các cánh tủ áo làm bằng ván dăm sẽ ít bị cong vênh như làm bằng MDF.

– Độ bắt vít: Ván dăm tốt hơn MDF. Vì ván dăm được cấu tạo từ các hạt gỗ thô, khi bắt vít vào thì các dăm gỗ ăn sâu vào trong khe của vít, khi tháo vít ra thì các dăm gỗ này lại có xu hướng lấp lại phần trống của đinh vít. MDF khi bắt vít vào thì các hạt gỗ mịn sẽ bị vít khoan đẩy ra ngoài, do vậy khi tháo vít ra thì lỗ vít không được lấp lại. MFC sẽ cho phép tháo lắp nhiều lần, MDF không tháo lắp được nhiều lần.

– Hàm lượng Formandehit: Các loại gỗ công nghiệp được sản xuất bằng các nguyên vật liệu khác nhau nhưng đều phải dùng keo. Chất lượng các keo này quy định mức độ độc hại và giá thành của từng vật liệu. Keo E0: Không có formandehit (yêu cầu vật liệu nội thất của Nhật Bản), E1: Có formandehit nhưng ít (cho phép sản xuất nội thất ở Châu Âu), E2: Có formandehit (cho phép sản xuất nội thất ở châu á và các nước đang phát triển). Các loại ván trôi nổi không có nguồn gốc thì không xác định được chất lượng. Nếu cùng tiêu chuẩn keo, MDF sẽ chứa nhiều keo hơn vì MDF là hạt mịn, Ván dăm là hạt thô.

Kết luận: Không phải MDF tốt hơn Ván dăm. Mỗi loại sẽ có ưu điểm và nhược điểm. Nên hiểu rõ ưu và nhược điểm của từng vật liệu để chúng ta làm ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Nói một cách dễ hình dung: MDF giống Cát đen (mịn), Ván dăm giống Cát vàng (thô). Khi trát tường thì phải dùng Cát đen, khi đổ bê tông thì phải dùng Cát vàng.

– Lỗi 2: Quá tin tưởng vào nhân viên kinh doanh các hãng sản xuất

Thông thường, để tìm hiểu về vật liệu nào đó, chúng ta có xu hướng đi tìm hiểu về các loại vật liệu. Có thể lên Showroom của hãng để tham khảo trực tiếp. Ở đó, khách hàng sẽ gặp các nhân viên kinh doanh của hãng tư vấn.

Nhân viên tư vấn của hãng có kiến thức về các vật liệu nhưng không có kinh nghiệm thi công. Giữa kiến thức và thực tế lại không giống nhau. Một sản phẩm nội thất cần được kết hợp nhiều chất liệu khác nhau để đảm bảo kết cấu, màu sắc để đảm bảo độ bền và đẹp của sản phẩm. Cũng giống như ví dụ về Cát đen (cát mịn) và Cát vàng (cát thô), một sản phẩm nội thất cũng giống như một căn nhà, không thể làm cả căn nhà chỉ bằng Cát đen và cũng không thể làm cả căn nhà chỉ bằng Cát vàng. Cũng không thể tùy tiện thích dùng Cát đen hay Cát vàng chỗ nào thì dùng.

Một hãng sản xuất có thể có những vật liệu họ có tỷ lệ lãi suất cao hơn các vật liệu khác, do đó, lãnh đạo công ty có thể chỉ đạo bộ phận bán hàng tập trung tư vấn và bán các sản phẩm đã định hướng. Nhân viên kinh doanh có thể được hưởng lương dựa trên doanh số bán hàng của mình, nên có thể có sự tư vấn của họ không còn khách quan.

Kết luận 2: Các thông tin tiếp nhận cần được kiểm chứng, với nhân viên kinh doanh các hãng thì chỉ nên tham khảo kiến thức về vật liệu. Kinh nghiệm thi công thì phải hỏi những người chủ xưởng sản xuất, các đơn vị thi công nội thất uy tín lâu năm.

– Lỗi 3: Các xưởng sản xuất như nhau

Xưởng nào cũng như nhau, cứ là xưởng thì sẽ sản xuất được nội thất. Tuy nhiên, trên thực tế nó lại không đúng.

Để sản xuất ra một sản phẩm đẹp, đạt chất lượng, người chủ xưởng cần phải có kinh nghiệm thi công. Nắm được các kiến thức về vật liệu. Biết chỗ nào cần phải dùng vật liệu nào cho phù hợp. Điều chỉnh, góp ý cho bộ phận thiết kế những vấn đề không phù hợp với thực tế để thống nhất các thay đổi cần thiết. Đồ nội thất cũng thuộc nghành nghề Thủ công Mỹ nghệ. Tức là nghề làm đẹp, làm nghệ thuật. Nên trình độ thẩm mỹ và tay nghề của người thợ rất quan trọng. Cùng một thiết kế như nhau, nhưng người có “hoa tay” có thể làm ra đồ đẹp hơn những người khác. Đôi khi chúng ta nhìn hai sản phẩm y hệt của 2 người thợ khác nhau, chúng ta sẽ nhận ra có một cái nó thanh thoát hơn, đẹp hơn cho dù cấu thành hai sản phẩm có kích thước là giống nhau.

Kết luận 3: Các xưởng sản xuất khác nhau là khác nhau. Do trình độ quản lý của chủ xưởng và trình độ của các người thợ. Nên chọn các xưởng có uy tín để đặt thi công.

– Lỗi 4: Xưởng lớn sẽ làm ra đồ đẹp

Có một sai lầm nữa mà mọi người hay mắc phải đó là: Xưởng lớn sẽ làm ra đồ đẹp hơn xưởng nhỏ. Điều này cũng đúng. Vì xưởng to thì sẽ có nhiều máy móc, có nhiều không gian để sản xuất. Từ đó đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, xưởng sản xuất muốn có chất lượng thì quản lý xưởng phải có trình độ, kinh nghiệm thi công, có mắt thẩm mỹ. Người thợ thi công phải có tay nghề cao. Đây là hai yếu tố quan trọng để có thể sản xuất ra được đồ đẹp.

Kết luận 4: Chúng ta nên tập trung kiểm tra sản phẩm đầu ra của xưởng sản xuất để đánh giá chất lượng của một xưởng sản xuất. Không cần quá tập trung vào diện tích của xưởng.

– Lỗi 5: Chọn mã màu gỗ không theo tư vấn của người có kinh nghiệm

Một vấn đề thường xảy ra là khi chúng ta lựa chọn mã màu cho đồ nội thất. Do các mã màu có kích thước nhỏ, màu sắc và vân không thể hiện đúng sản phẩm sau khi thi công. Do đó, khi thi công thực tế lên không đúng như mong muốn.

Để khắc phục điều này, chúng ta nên tham khảo ý kiến của các đơn vị thiết kế và các đơn vị thi công. Hạn chế tự quyết định mã màu vì màu sắc của sản phẩm nội thất là rất quan trọng. Sản phẩm thi công sắc nét nhưng màu sắc không phù hợp thì sẽ rất khó để có thể thay đổi.

Kết luận 5: Khi chọn màu gỗ nên tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm thi công

3- Các loại chất liệu tốt hiện nay

Với thời tiết nóng ẩm của Miền Bắc Việt Nam, các chất liệu chống ẩm có vẻ không đủ đáp ứng. Với một chiếc tủ bếp làm bằng MDF chống ẩm thì tuổi thọ sẽ không cao. Tầm 5 năm là sẽ có thể xảy ra các vấn đề. Dưới đây là các chất liệu tốt nhất trên thị trường hiện nay theo đánh giá của Đồ Gỗ Giá Gốc.

– Plywood

Hiện nay, trên thị trường đang có các sản phẩm gỗ Plywood, đây là loại gỗ tự nhiên được lát mỏng và dán đan chéo thớ gỗ từ 9 đến 11 lần. Plywood là vật liệu chống nước. Plywood nhập khẩu còn có tiêu chuẩn E0 (không có formandehit) nên rất an toàn để dùng làm sản phẩm nội thất tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Tuổi thọ của sản phẩm bằng plywood sẽ đạt tầm 20 – 30 năm. Thậm chí có thể cao hơn do kết cấu và công nghệ hiện nay khá cao. Plywood rất bắt vít, sản phẩm có thể tháo ra lắp lại nhiều lần mà chất lượng vẫn có thể đảm bảo.

Về nhược điểm của plywood là khó thi công do cấu tạo của gỗ. Các lưỡi cưa phải rất mới mới có thể cắt được gỗ plywood. Nếu sử dụng máy CNC thì phải cài đặt chế độ cắt chậm. Việc gãy mũi CNC khi thi công plywood sẽ thường xuyên xảy ra, do đó các chủ xưởng cần chuẩn bị sẵn nhiều mũi cắt để có thể thay thế. Các mũi cắt cũng phải mua các loại có chất lượng cao. Plywood cũng có giá thành cao hơn MDF, Ván dăm, gỗ ghép thanh, nên plywood thường được sử dụng cho các công trình cao cấp.

– Gỗ nhựa – WPC

Gỗ nhựa được sản xuất kết hợp giữa bột nhựa và bột gỗ. Nó có tác dụng chống nước tuyệt đối. Do đó, gỗ nhựa được sử dụng trong các sản phẩm như tủ bếp, lavabo, tủ máy giặt.

Về nhược điểm của gỗ nhựa là độ chịu lực không cao, không bắt vít. Gỗ nhựa dễ bị cong. Do đó, để thi công gỗ nhựa được chắc chắn thì đòi hỏi người thợ thi công phải có tay nghề cao. Gỗ có giá khá cao nên chỉ sử dụng để làm các sản phẩm thực sự cần thiết. Không nên tháo ra lắp lại đồ vì gỗ nhựa sẽ không bắt vít tốt.

– HDF siêu chống ẩm

HDF siêu chống ẩm cũng là một chất liệu cao cấp. Nó có cấu tạo rất giống với MDF. Tuy nhiên HDF siêu chống ẩm được nén chặt hơn MDF gấp 1.5 lần. Do đó nó nặng hơn MDF, chắc hơn MDF và cũng đắt hơn MDF. HDF siêu chống ẩm chống ẩm tốt hơn MDF. HDF siêu chống ẩm không chống được nước như Plywood và gỗ nhựa. Nhưng khi sử dụng để sản xuất các hàng sơn thì phải sử dụng đến HDF siêu chống ẩm, Plywood và Gỗ nhựa không phù hợp cho hàng sơn.

– Gỗ nhựa phủ Acrylic Noline

Với các cánh tủ bếp làm bằng chất liệu bề mặt là Acrylic. Bình thường, phần lõi cánh tủ sẽ làm bằng MDF chống ẩm. Tuy nhiên, do vùng bếp thường ẩm thấp, nên nếu sử dụng MDF thì tuổi thọ của đồ sẽ không cao. Do đó, việc sử dụng gỗ nhựa phủ Acrylic và cao hơn nữa là phủ Acrylic Noline sẽ cho độ bền và thẩm mỹ cao nhất.

Nhược điểm của Gỗ nhựa phủ Acrylic Noline là giá thành cao. Acrylic Noline là công nghệ dán cạnh bằng lazer, sản phẩm sẽ không có vết ghép giữa bề mặt và các cạnh nhựa.

– MFC chống ẩm

MFC chống ẩm là ván được sản xuất với lõi là ván dăm, bề mặt là melamin. Với các hãng sản xuất ván thông thường thì MFC chất lượng không cao. Tuy nhiên, với MFC của An Cường thì MFC rất chắc chắn. Độ bám vít là rất tốt. Gỗ không bị cong vênh, khỏe, không độc hại. Do đó, MFC An Cường được sử dụng rộng rãi.

– MDF chống ẩm

MDF chống ẩm có nhiều loại, tùy thuộc vào các loại keo khác nhau (E0, E1, E2), tùy thuộc vào công nghệ sản xuất. Trên thị trường hiện nay có MDF chống ẩm An Cường là có chất lượng tốt. Bề mặt MDF chống ẩm An Cường có thêm lớp phủ đanh, phẳng, do đó, chất lượng cao hơn ván của các hãng khác.

MDF có nhiều keo hơn ván dăm, nếu là hàng An Cường thì nên chọn MFC chống ẩm hơn là MDF chống ẩm. Do MFC có nhiều tính năng ưu việt hơn MDF chống ẩm phủ melamin An Cường. MDF An Cường có tiêu chuẩn về formandehit nhiều hơn MFC (MDF độc hơn MFC). Nên chỉ sử dụng MDF chống ẩm khi cần thiết. Khi dùng phải dán kín các bề mặt của lõi MDF bằng sơn hoặc các vật liệu bề mặt khác.

– Laminate

Laminate là tấm bề mặt phủ ra ngoài tấm ván. Laminate có tác dụng chống nước, chống cháy, chống va đập, do đó, laminate là chất liệu bề mặt bền.

Laminate khá đắt, do đó chủ yếu được sử dụng để làm cánh tủ và các bề mặt lộ, chịu sự tác động của các lực. Thùng tủ thì nên sử dụng melamin đồng màu thay thế laminate để giảm giá thành sản phẩm.

– Sơn inchem

Sơn inchem và các loại sơn chất lượng cao tương tự inchem sẽ cho bề mặt sản phẩm đẹp, sâu, bền màu. Chất lượng bề mặt sơn phụ thuộc vào quy trình sơn. Đa phần các xưởng sản xuất nhỏ sẽ bỏ bớt quy trình sơn để giảm giá thành sản phẩm. Do đó, để chất lượng Sơn inchem được tốt nhất thì đòi hỏi quy trình sơn inchem phải được tuân thủ. Sơn trực tiếp lên bề mặt MDF, HDF siêu chống ẩm, veneer. Không sơn lên các bề mặt melamin hay laminate vì rất dễ bị bong tróc.

Sơn inchem đòi hỏi tay nghề thợ cao, thành thạo quy trình của nhà máy. Do đó, khi sản xuất đồ sơn inchem thì phải chú ý đến tay nghề thợ sơn.

– Veneer sơn inchem

Veneer là lớp gỗ tự nhiên mỏng, giống như laminate là phủ lên bề mặt của tấm ván. Có nhiều loại veneer. Loại rẻ thì veneer sẽ dán trực tiếp lên MDF, HDF. Loại đắt và bền hơn thì veneer phủ lên tấm plywood rồi phủ lên MDF. Veneer kết hợp với sơn inchem sẽ cho ra sản phẩm chất lượng cao. Có bề mặt là bề mặt giống với gỗ tự nhiên.

– Melamin

Melamin được ép trực tiếp lên lõi ván dăm hoặc MDF. Nó cũng có tính chất chống nước, chống cháy. Tuy nhiên, do bề mặt mỏng hơn laminate nên chất lượng không bằng laminate. Melamin có giá bình dân nên được sử dụng rộng rãi nhất trong sản xuất nội thất gỗ công nghiệp.

4- Một số hình ảnh thi công thực tế của Đồ Gỗ Giá Gốc

Ảnh: MDF chống ẩm An Cường phủ veneer óc chó, kết hợp cánh tủ gỗ óc chó tự nhiên. Sơn inchem cao cấp. Công trình anh Nguyễn Trung Hiếu – Trung Hòa – Nhân Chính – Hà Nội
Ảnh: Tủ áo MDF chống ẩm An Cường, sơn inchem cao cấp. Công trình chị Thơm, Mỹ Đức, Hà Nội

CÔNG TY CỔ PHẦN XINH HOME – THƯƠNG HIỆU ĐỒ GỖ GIÁ GỐC

Hotline: 0949.32.88.86 – 097 9131995 (Ms. Uyên) – 0961661141 (Ms. Nguyệt Anh)
Nhà máy 1: Km5 Đại Lộ Thăng Long Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Nhà máy 2: Xóm Hoà Bình – Cần Kiệm – Hà Nội
Địa chỉ văn phòng: CT2A – Chung cư VOV Mễ Trì, Lương Thế Vinh, Hà Nội

Để lại một câu trả lời

Email của bạn sẽ được giữ bí mật